Viêm phổi nặng ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách chẩn đoán

Trần Thu Uyên
Bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em có nhiều nguyên nhân như virus, vi khuẩn và nấm, gây ra biến chứng nguy hiểm với các dấu hiệu khác nhau tùy từng trẻ. Xem ngay!

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (2022), viêm phổi chiếm 14% tử vong trẻ em <5 tuổi; Năm 2017 có 808.000 trẻ tử vong vì viêm phổi chiếm tỷ lệ 15% trẻ em <5 tuổi. Khi trẻ em bị viêm phổi nặng, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vậy bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em là gì? Cách điều trị cho trẻ em bị viêm phổi nặng ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Viêm phổi nặng ở trẻ em

Viêm phổi nặng ở trẻ em là gì?

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Theo đó, phổi được tạo thành từ các túi khí nhỏ (gọi là phế nang) chứa đầy không khí khi một người khỏe mạnh hít thở. Tuy nhiên đối với trẻ bị viêm phổi, các phế nang chứa đầy mủ và chất lỏng khiến việc thở trở nên đau đớn và hạn chế lượng oxy được đưa vào phổi.

Mỗi năm trên thế giới ước tính có khoảng 12 – 15,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc viêm phổi, dẫn đến khoảng 1 triệu trẻ tử vong (tỷ lệ tử vong vì viêm phổi trẻ em chiếm ⅕ số trẻ tử vong trên thế giới). Trong đó, người ta quan sát thấy có khoảng 1,4 triệu trường hợp viêm phổi tiến triển thành viêm phổi nặng ở trẻ em. Trẻ em từ 1 – 5 tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn vì hệ miễn dịch chưa được phát triển đầy đủ. (1)

Các yếu tổ nguy cơ làm tăng tỷ lệ viêm phổi trẻ em như là: Hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm ở trẻ suy dinh dưỡng đặc biệt trẻ không được bú mẹ; các trẻ có bệnh nền kèm theo như trẻ bị nhiễm HIV, sởi; các yếu tố môi trường cũng làm tăng nguy cơ viêm phổi trẻ em: ô nhiễm không khí, sống nơi đông người, khói thuốc lá… Nếu không được phát hiện sớm, trẻ bị viêm phổi nặng có nguy cơ gặp phải những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

banner khai trương phòng khám đa khoa tâm anh quận 7 mb

Dấu hiệu viêm phổi nặng ở trẻ em

Tuỳ vào mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có các dấu hiệu và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó có những dấu hiệu giúp ba mẹ nhận biết con đang bị viêm phổi nặng, cụ thể là:

  • Sốt cao >= 38,5 độ C.
  • Các triệu chứng của suy hô hấp: thở nhanh, thở co kéo, khó thở nặng nhất là trẻ nhỏ, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở.
  • Các dấu hiệu khác: Thay đổi tri giác, tím tái, độ bảo hòa oxy giảm, tim nhanh, bỏ bú …

Lưu ý:

  • Tất cả mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ <2 tháng tuổi đều là viêm phổi nặng.
  • Viêm phổi có rút lõm ngực đều là viêm phổi nặng.

Nhiều phụ huynh thường hiểu nhầm các dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm phổi thành cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, cần theo dõi các triệu chứng của trẻ nếu tình trạng có xu hướng tồi tệ hơn hãy đưa trẻ đến cơ sở ý tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Trẻ ho và sốt cao là dấu hiệu của bệnh viêm phổi
Trẻ ho và sốt cao là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm phổi.

Nguyên nhân viêm phổi nặng ở trẻ em

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em, gây ra những biến chứng nguy hiểm với những dấu hiệu nhận biết khác nhau ở mỗi trẻ. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm virus, vi khuẩn và các loại nấm khác.

Nhóm trẻ em dưới 5 tuổi thường được chẩn đoán mắc viêm phổi do tác nhân vi khuẩn là chủ yếu. Trong đó, các loại vi khuẩn thường gặp như: Streptococcus nhóm B, H.influenza.s, Branhamella Catarrhalis, E. coli, tụ cầu , vi khuẩn gram âm… Viêm phổi do vi khuẩn có xu hướng tiến triển nhanh và các triệu chứng có mức độ nặng nhất.

Nhóm trẻ em từ 5 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phổi do virus như: virus hợp bào hô hấp, virus cúm, adenovirus,… So với nguyên nhân gây bệnh từ vi khuẩn thì viêm phổi do virus thường diễn tiến chậm hơn, ít nghiêm trọng hơn và có thể tự khỏi so với vi khuẩn.

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi do virus ở trẻ gây ra kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp trên như cảm cúm thông thường. Chính vì thế, nhiều người nhầm lẫn triệu chứng dẫn đến chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị kém hiệu quả, khiến trẻ đau đớn kéo dài và nguy cơ cao dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, viêm phổi nặng ở trẻ em còn do ký sinh trùng và các loại nấm gây ra. Trẻ sống ở môi trường nhiều bụi bẩn, có người nhà mắc lao phổi hoặc nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.

Ngoài ra, dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn lau,… với bệnh nhân mắc viêm phổi cũng có thể dẫn đến lây nhiễm cho những đứa trẻ khỏe mạnh.

Chẩn đoán bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em

Khi chẩn đoán bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em, các bác sĩ thường sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng kết hợp cùng chẩn đoán cận lâm sàng.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Dựa vào các triệu chứng hô hấp của người bệnh như: sốt cao, ho khan, ho có đờm, thở khò khè hoặc có nhiều trường hợp không ho, ít ho. Khi xuất hiện những triệu chứng này, khoảng 30% trẻ được chẩn đoán mắc viêm phổi do vi khuẩn. Ngoài ra, còn xem xét thêm những dấu hiệu khác như tím tái, bỏ bú, hít thở lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi,… Triệu chứng khác có thể đi kèm theo bệnh viêm phổi như viêm cơ, viêm xương, viêm tai giữa, viêm amydal,…

Tuy nhiên đối với bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em, phương pháp chẩn đoán lâm sàng (thăm khám) ít mang lại kết quả chính xác do có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì thế, nên kết hợp thêm chẩn đoán cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang…) càng sớm càng tốt để xác định chính xác tác nhân gây bệnh từ đó quá trình điều trị sẽ hiệu quả hơn.

chẩn đoán bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em
Có thể chẩn đoán bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em qua các phương pháp chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

  • X-quang phổi có nốt mờ rải rác, chủ yếu ở vùng rốn phổi và cạnh tim. Đây là phương pháp tiêu chuẩn được nhiều bác sĩ sử dụng để chẩn đoán viêm phổi nặng ở trẻ em.
  • Xét nghiệm công thức máu: số lượng bạch cầu tăng (>15.000/mm3) và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng gợi ý bệnh viêm phổi do vi trùng.
  • Xét nghiệm CRP: Khi CRP tăng trên 20mg/l thì kết luận bệnh nhân mắc viêm phổi do vi trùng. Xét nghiệm đàm ở những trẻ lớn có thể ho khạc được. Riêng đối với trẻ nhỏ thì hút dịch phế quản hoặc dịch NTA để tìm tạp trùng hoặc nấm.

Điều trị bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em

Phương pháp điều trị viêm phổi nặng ở trẻ em hiện nay chủ yếu là điều trị chống nhiễm trùng và điều trị các biến chứng của bệnh. Theo đó, tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng của từng cá nhân và tuỳ vào người bệnh có bệnh lý kèm theo nào hay không mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Trong đó thuốc kháng sinh đường uống là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trẻ mắc viêm phổi. Đối với trường hợp bệnh có xu hướng tiến triển nặng khiến trẻ khó thở, biện pháp hỗ trợ hô hấp kết hợp kháng sinh sẽ được áp dụng.

Việc lựa chọn liều lượng kháng sinh, loại kháng sinh, đường dùng sẽ dựa vào độ tuổi, độ nặng và tình trạng bệnh lý hiện tại của bệnh nhân. Đối với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ ba là lựa chọn hàng đầu. Lúc này kháng sinh sẽ nhắm vào các vi khuẩn gram âm và trực khuẩn gram dương. Ngoài thuốc kháng sinh, bác sĩ có thể kết hợp điều trị hỗ trợ hô hấp (thở oxy, CPAP hay máy thở) dinh dưỡng, hạ sốt, giảm ho,… nhằm ngăn chặn các biến chứng nếu có.

Lưu ý, phụ huynh không nên tự ý thay đổi liều lượng hoặc đột ngột dừng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể làm gián đoạn quá trình điều trị và dẫn đến nhiều biến chứng khó lường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

>>>Có thể bạn chưa biết: Viêm phổi không điển hình ở trẻ em: nguyên nhân và triệu chứng bệnh

Chăm sóc viêm phổi nặng ở trẻ em

Bệnh viêm phổi ở trẻ có thể tiến triển nhanh thành bệnh nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh và những trẻ có bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ, ba mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Ngoài ra, ba mẹ có thể tham khảo một số lưu ý khi chăm sóc bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em như:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định đã được bác sĩ kê đơn.
  • Cho trẻ uống nhiều nước có thể giúp trẻ hạ sốt. Đối với trẻ sơ sinh, hãy cho con thường xuyên bú sữa mẹ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Vỗ long đờm hoặc hút đờm dãi cho trẻ (nếu cần).
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ, tránh để trẻ sử dụng đồ chơi ẩm mốc, bụi bẩn.
  • Cho trẻ ăn đồ ăn dễ nuốt và dễ tiêu hoá như cháo, sữa, thức ăn lỏng,… nhưng vẫn cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ.
  • Không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong một lần. Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để trẻ dễ tiêu hoá.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em

Việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời được chứng minh giảm gần ¼ nguy cơ mắc viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Đối với trẻ nhỏ cần bổ sung chất dinh dưỡng đa dạng trong khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ, thêm hoa quả, rau xanh và tăng cường đạm từ thịt cá,…

Bên cạnh đó, giữ nhà cửa sạch sẽ, sử dụng bếp không khói cũng phần nào giúp trẻ em phòng ngừa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt, người lớn tuyệt đối không nên hút thuốc lá khi ở gần trẻ, tránh để trẻ hít phải khói thuốc và tập thói quen rửa sạch tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế trẻ tiếp xúc trực tiếp với người đang bị ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi,…

Nhiều chuyên gia khuyến cáo cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em đó là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết như: Virus cúm mùa, vi khuẩn phế cầu, HIB, ho gà, uốn ván, sởi,…

Tập cho trẻ thói quen rửa sạch tay trước khi ăn
Tập cho trẻ thói quen rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh giúp trẻ phòng ngừa bệnh viêm phổi hiệu quả.

Địa chỉ điều trị bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em đáng tin cậy

Khác với người trưởng thành, hệ miễn dịch của trẻ em còn non nớt và chưa thể chủ động phòng tránh bệnh. Do đó, nguy cơ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc các bệnh lý bẩm sinh là rất cao.

Bởi vậy, các con cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ ba mẹ cũng như thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm, qua đó phát hiện các tác nhân có nguy cơ gây bệnh và can thiệp điều trị kịp thời. Bằng cách này, ba mẹ có thể chủ động bảo vệ sức khoẻ cho con đồng thời giúp con lớn lên một cách khỏe mạnh, hạnh phúc.

Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là một trong những địa điểm thăm khám và điều trị bệnh lý trẻ em đáng tin cậy được khá nhiều phụ huynh lựa chọn hiện nay. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực Nội nhi và Ngoại nhi, cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, ba mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi chăm sóc sức khỏe con yêu tại đây.

Để đặt lịch thăm khám và nhận tư vấn từ các chuyên gia thuộc khoa Nhi – BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ba mẹ có thể liên hệ theo thông tin sau:

Bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em là một trong những bệnh lý nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Do đó, nếu nhận thấy bất cứ biểu hiện bất thường nghi ngờ trẻ bị viêm phổi, ba mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt. Từ đó có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ con yêu.

Trần Thu Uyên

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0566.228.797)