Hiện nay, Tài khoản 101 (tiền mặt) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô được quy định thế nào? – Khắc Việt (Yên Bái).
1. Tài khoản 101 (tiền mặt) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô
Căn cứ Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BTC quy định về Tài khoản 101 (tiền mặt) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô như sau:
1.1. Nguyên tắc kế toán của Tài khoản 101
- Tài khoản 101 phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ tiền mặt tại tổ chức tài chính vi mô. Chỉ phản ánh vào Tài khoản 101 “Tiền mặt” số tiền mặt thực tế nhập, xuất, tồn quỹ.
- Khi tiến hành nhập, xuất tiền mặt phải có giấy nộp tiền, lĩnh tiền, hoặc phiếu thu, phiếu chi, séc lĩnh tiền,... và có đủ chữ ký theo quy định của Luật Kế toán 2015.
- Thủ quỹ phải có trách nhiệm mở sổ quỹ tiền mặt, ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập quỹ tiền mặt và tính ra số tồn quỹ.
- Các khoản tiền mặt do đơn vị khác và cá nhân ký cược, ký quỹ tại tổ chức tài chính vi mô được quản lý và hạch toán như các loại tài sản bằng tiền của đơn vị.
- Thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý và nhập, xuất quỹ tiền mặt. Định kỳ, thủ quỹ phải kiểm kê số tồn quỹ tiền mặt thực tế, đối chiếu số liệu sổ quỹ tiền mặt và sổ kế toán tiền mặt. Nếu có chênh lệch, kế toán và thủ quỹ phải kiểm tra lại để xác định nguyên nhân và kiến nghị biện pháp xử lý chênh lệch.
- Kế toán phải theo dõi chi tiết tiền theo nguyên tệ. Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ và khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với tổ chức tín dụng.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Tài khoản 101 (tiền mặt) áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
1.2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 101
- Bên Nợ:
+ Các khoản tiền mặt nhập quỹ;
+ Số tiền mặt thừa tại quỹ phát hiện khi kiểm kê;
+ Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
- Bên Có:
+ Các khoản tiền mặt xuất quỹ;
+ Số tiền mặt thiếu hụt quỹ phát hiện khi kiểm kê;
+ Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
- Số dư bên Nợ: Các khoản tiền mặt còn tồn quỹ tiền mặt tại thời điểm báo cáo.
2. Ký chứng từ kế toán
Căn cứ Điều 19 Luật Kế toán 2015 quy định về ký chứng từ kế toán như sau:
Ký chứng từ kế toán - Luật Kế toán 2015
1. Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền ký. Nghiêm cấm ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký.
3. Chứng từ kế toán chi tiền phải do người có thẩm quyền duyệt chi và kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký trước khi thực hiện. Chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên.
4. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy.