Lá mơ lông là một loại rau ăn kèm rất phổ biến trong các bữa ăn của gia đình Việt Nam. Bên cạnh đóng vai trò là rau gia vị độc đáo, lá mơ lông còn là một vị thuốc Đông Y. Cụ thể hơn, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc đáp án cho câu hỏi “lá mơ lông có tác dụng gì đối với sức khỏe của con người?”
1. Tìm hiểu thông tin chung về lá mơ lông
Lá mơ lông có tên khoa học chính thức là Paederia tomentosa, thuộc họ Cà phê. Loại lá này còn nhiều tên gọi dân gian khác như lá mơ tam thể, hoặc lá thúi địch.
Lá mơ lông là cây dây leo, dễ mọc hoang và cũng rất dễ trồng bởi khả năng thích nghi cao. Lá mọc kiểu đối xứng, có hình trái trứng và có màu tím nhạt. Cả hai mặt của lá mơ lông đều có lông mịn.
Loại lá này xuất hiện nhiều ở các nước châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Philippine...
Các nhà khoa học đã tìm ra được một loại alkaloid trong lá mơ lông có tên gọi paederin và tinh dầu sulfur dimethyl disulphide. Đây là các hoạt chất hoạt động tương tự như thuốc kháng sinh và kháng viêm. Đặc biệt, lá mơ lông có tác dụng mạnh mẽ đối với ký sinh trùng đường ruột như lỵ, giun đũa, giun kim, trực khuẩn...
3. Một số tác dụng của lá mơ với dạ dày phổ biến
Lợi ích nổi bật nhất của lá mơ lông đối với sức khỏe chính là hàng loạt công dụng của loại rau gia vị này đối với dạ dày, bao gồm:
- Trị tình trạng sôi bụng và khó tiêu: bạn chỉ cần dùng một nắm lá mơ lông tươi rửa sạch, sau đó giã thành nước thuốc để uống trong khoảng 2 - 3 ngày, tình trạng này sẽ cải thiện đáng kể.
- Lá mơ trị tiêu chảy do nóng: trong trường hợp tiêu chảy đi kèm với triệu chứng phân khắm, bụng đau quặn, nước tiểu vàng đậm, nóng rát hậu môn và thường xuyên khát nước, bạn có thể cải thiện vấn đề bằng 16 gram lá mơ kết hợp với 8 gram nụ sim, sau đó sắc với 500ml nước đến khi còn dưới phân nửa, chia thành 2 lần uống trong ngày.
- Tác dụng của lá mơ đối với đau dạ dày: lá mơ lông cũng có thể trị đau dạ dày. Bạn có thể dùng khoảng 20 gram đến 30 gram lá mơ đã rửa sạch, sau đó giã thành nước để uống hàng ngày.
- Lá mơ lông cũng có hiệu quả điều trị đối với kiết lỵ. Bài thuốc sử dụng 15 đến 60 gram lá mơ lông nghiền mịn với nước ẩm, sau đó thêm muối rồi ép xác thành nước thuốc. Bạn nên uống nước thuốc này trước khi ăn. Một cách khác trị kiết lỵ với lá mơ lông là xắt nhỏ lá rồi đánh với trứng gà, sau đó chiên trứng lá mơ rồi ăn, mỗi ngày ăn khoảng 1 - 2 lần món này.
- Trị viêm loét với lá mơ lông: bạn có thể nghiền nát 1 nắm lá mơ rồi vắt xác để lấy nước cốt, chia thành 2 - 3 lần uống hàng ngày.
4. Những tác dụng lá mơ lông đối với sức khỏe
Hàng loạt các triệu chứng đau đớn và khó chịu như đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, bí tiểu... đều có thể được cải thiện bằng lá mơ lông. Bài thuốc trị đau này sử dụng khoảng 15 gram đến 60 gram lá mơ tươi rửa sạch, sau đó sắc với khoảng 3 chén nước đến khi cạn còn một chén. Sau đó, pha chén này với một loại nước trái cây rồi uống. Mỗi ngày hãy uống 1 ly nước trái cây kết hợp lá mơ để đem lại tác dụng giảm đau, đồng thời nhuận tràng và lợi tiểu, nhờ đó kích thích quá trình thải độc của cơ thể, kích thích sự thèm ăn và vị giác khi ăn.
4.1 Bài thuốc lá mơ lông trị co giật
Trong trường hợp bị co giật thường xuyên, bạn có thể cải thiện triệu chứng bằng lá mơ lông. Hãy nghiền nát khoảng 15 đến 60 gram lá mơ tươi với nước ấm, sau đó thêm muối, chắt lọc thành nước uống. Nước thuốc lá mơ chống co giật nên được uống trước bữa tối và uống hàng ngày.
4.2 Trị thấp khớp / bí tiểu bằng lá mơ lông
Để trị thấp khớp, hãy lấy khoảng 15 đến 60 gram lá mơ tươi để đun sôi trong nước, rồi bỏ xác và gạn lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 lần để có hiệu quả điều trị cao.
Bài thuốc này cũng có tác dụng đối với chứng bí tiểu.
4.3 Tác dụng của lá mơ lông trong điều trị tổn thương da
- Dùng lá mơ trị mụn và trị ghẻ: giã nát lá mơ lông rồi lấy nước cốt, sau đó thoa trực tiếp lên vùng nốt mụn / nốt ghẻ. Bạn nên áp dụng cách thức này trong ít nhất 3 ngày để bắt đầu có tác dụng thấy được.
- Đối với bệnh đậu mùa: hãy nghiền lá mơ lông cùng với nước và muối, sau đó đắp hỗn hợp này lên khu vực các nốt đậu mùa.
- Đối với bệnh Herpes: làm tương tự như bài thuốc lá mơ lông trị bệnh đầu mùa.
- Đối với bệnh chàm, bệnh nấm da hay giời leo, hãy lấy toàn bộ cây mơ lông và rửa sạch, rau đó nghiền nát, bôi vào khu vực ngứa đỏ.
4.4 Lá mơ lông trị cam tích ở trẻ nhỏ
Bài thuốc trị cam tích dùng lá mơ sẽ sử dụng phần rễ khô với khoảng 15 gram đến 20 gram, kết hợp với dạ dày của heo, tất cả đều thái vụn rồi nấu với 1 lít nước đến khi còn khoảng 2 chén thì ngừng. Sau đó, chắt lấy phần nước thuốc và cho trẻ nhỏ uống 2 lần mỗi ngày.
Nhìn chung, tác dụng của lá mơ lông đối với sức khỏe rất đa dạng, trong đó nổi bật nhất là tác dụng của lá mơ đối với dạ dày. Có thể thấy, bên cạnh là một loại rau mùi cho món ăn thêm thơm ngon, đây còn là vị thuốc quý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.