Sốt siêu vi/ virus ở trẻ em: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Trần Thu Uyên
Sốt siêu vi ở trẻ em là tên gọi chung của các loại sốt gây ra bởi virus. Vậy các triệu chứng cũng như nguyên nhân của sốt siêu vi là gì? Và điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh giải đáp tất tần tật những câu hỏi trên.

Sốt siêu vi/ virus là gì?

Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus là bất kỳ cơn sốt nào do một căn bệnh tiềm ẩn do virus gây ra. Các tác nhân virus thường gặp gây sốt ở trẻ như Rhinovirus, cúm, adenovirus, sốt xuất huyết, tay chân miệng,.... 

Đa phần trẻ mắc phải sốt siêu vi chỉ có triệu chứng sốt hoặc kèm theo sổ mũi, ho ít, tổng trạng của trẻ vẫn tốt và tự khỏi sau vài ngày, trung bình khoảng 5-7 ngày.

Các triệu chứng của sốt virus ở trẻ em

Sốt do virus có thể dao động ở nhiệt độ từ 38-39 độ C, thậm chí 40-41 độ C, tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Khi hạ sốt, trẻ tỉnh táo, chơi giỡn gần như bình thường. Ngoài ra, trẻ có thể có một số triệu chứng như:

  • Cảm giác ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi
  • Sổ mũi
  • Đau đầu
  • Nhức mỏi toàn thân
  • Cảm giác mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Phát ban
  • Tiêu chảy

Các loại virus gây bệnh khác nhau có thể sẽ kèm theo những dấu hiệu điển hình của virus đó. Những triệu chứng này thường chỉ kéo dài tối đa vài ngày.

Nguyên nhân gây sốt siêu vi là gì?

Sốt là phản ứng của cơ thể chống lại virus. Trẻ có thể bị nhiễm virus theo nhiều cách khác nhau:

  • Do hít phải: Nếu người bị nhiễm virus hắt hơi hoặc ho gần trẻ, trẻ có thể hít phải những giọt bắn có chứa virus. Ví dụ như virus cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
  • Nuốt phải: Thực phẩm và đồ uống có thể bị nhiễm virus, nếu trẻ ăn phải các thực phẩm này, trẻ có thể bị bệnh. Hoặc cũng có thể trẻ chạm tay vào các bề mặt nhiễm virus, sau đó đưa tay lên miệng. Ví dụ như các loại virus gây bệnh tiêu chảy, tay chân miệng.
  • Vết cắn, đốt: Côn trùng và các động vật khác có thể mang virus, trẻ có thể nhiễm virus thông qua các vết cắn hay đốt của động vật như sốt xuất huyết, dại.

Sốt siêu vi được chẩn đoán như thế nào?

Thông thường, khi trẻ nhiễm virus hay vi khuẩn đều gây ra các triệu chứng tương tự. Để chẩn đoán sốt siêu vi, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, tiền sử bệnh và khám lâm sàng cho trẻ.

Tùy thuộc vào loại virus bị nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm máu, lấy mẫu dịch họng hoặc dịch từ vết loét. Những cận lâm sàng này giúp xác định virus gây bệnh và loại trừ các bệnh nhiễm trùng khác.

Điều trị sốt siêu vi ở trẻ em

Các bệnh do siêu vi gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

  • Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38.5 độ C trở lên, loại thuốc an toàn nên sử dụng là acetaminophen (paracetamol) liều từ 10-15 mg/kg/lần cách 4-6 tiếng, tối đa 4 lần/ngày.
  • Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, nên cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, thoáng để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt.
  • Lau người bằng nước ấm hoặc tắm với nước ấm cũng giúp trẻ hạ sốt. Dừng lại khi đo nhiệt độ của trẻ dưới 38 độ C.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
  • Uống nhiều nước, điện giải.
  • Vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm bằng nước ấm, phòng kín.
  • Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natrichlorua 0,9% nếu trẻ có triệu chứng đau ngứa mắt hoặc sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Trẻ nên được cách ly tại nhà, không cho đến trường.

Ngoài ra, khi bị sốt siêu vi trẻ rất mệt mỏi và chán ăn, phụ huynh nên chế biến các thực đơn mềm, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu. Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ bởi trẻ có thể không ăn được nhiều trong một lần.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám khi:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt > 38 độ C
  • Trẻ bị sốt cao trên 40 độ C
  • Trẻ sốt cao liên tục khó hạ mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt đúng liều

Bên cạnh đó, nếu trẻ có các triệu chứng sau, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức:

  • Lơ mơ, ngủ nhiều li bì khó đánh thức
  • Nôn thường xuyên, nôn ra tất cả mọi thứ
  • Không ăn uống được hoặc bỏ bú
  • Co giật hay giật mình chới với, hoặc run chi
  • Khó thở, thở bất thường, thở mệt, tím tái
  • Phát ban, đặc biệt nếu tình trạng nhanh chóng trở nên trầm trọng 
  • Chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu, tiêu phân đen

Tóm lại, sốt siêu vi là bất kỳ cơn sốt nào do nhiễm virus. Hấu hết sốt siêu vi ở trẻ có thể điều trị tại nhà và tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có biểu hiện nặng như đã nêu ở trên hoặc phụ huynh cảm thấy không yên tâm, nên đưa trẻ đi khám sớm với bác sĩ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trần Thu Uyên

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0566.228.797)